Hướng nghiệp

Băn khoăn hướng nghiệp học sinh THCS

GD&TĐ - Điểm khác nhau giữa học sinh THPT và THCS là buổi tư vấn hướng nghiệp của học sinh THCS luôn có mặt cha mẹ các em. Tại địa phương tôi mỗi trường có trên dưới 300 HS khối 9; với tổng số 5 trường, như vậy có trên 1.500 HS sẽ tốt nghiệp THCS nhưng không phải tất cả đều có đủ trình độ vượt qua kỳ thi tuyển sinh THPT để học tiếp tục.

Mối quan tâm của cha mẹ các em bao giờ cũng là làm thế nào để con em được vào học tiếp tục ở bậc THPT vì quan niệm phải có học đại học mới gọi là thành công. Ngay cả phụ huynh biết con em sức học chỉ trung bình cũng quyết xin cho được một vé dự thi vào THPT dù thầy cô đã đánh giá không đủ năng lực học tập để tiếp tục học lên một cách chính xác thông qua các kỳ kiểm tra trong năm.

Học chương trình trung học ở TTGDTX cũng không được phụ huynh mặn mà cho lắm. Một trong những lý do là đa phần học sinh ở đây học lực yếu, một ít có vấn đề về hạnh kiểm, trong cuộc đua vào đại học khó mà tranh lại với HS THPT. Vì vậy nhà trường phải tư vấn thêm cho phụ huynh về nội dung chương trình học phù hợp và giá trị của bằng tốt nghiệp hệ GDTX cũng ngang như học THPT. Nếu HS chăm chỉ, biết phát huy khả năng theo đúng ngành học, việc được tuyển vào cao đẳng hay đại học không có gì quá khó với các em.

Thế nhưng điều khó nhất là hướng các em có học lực trung bình yếu hay có hoàn cảnh khó khăn vào học tại trường cao đẳng nghề của tỉnh. Dù đại diện phòng LĐ-XH đã giới thiệu các chính sách của nhà nước trong tạo điều kiện học nghề cho HS như miễn học phí, cấp học bổng, giới thiệu việc làm sau khi ra trường…, nhiều phụ huynh vẫn chỉ muốn cho con theo học văn hóa vì cho rằng học nghề vất vả, chưa được xã hội coi trọng, hay con em còn nhỏ mà cho học nghề thì “tội” quá.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng phải nâng cao số lượng HS vào THPT vì “nói gì thì nói, hướng học mới quan trọng”! Chính suy nghĩ này đã làm người giáo viên làm công tác hướng nghiệp băn khoăn. Nếu tư vấn tốt, hướng nghiệp, phân luồng hiệu quả, có nhiều HS theo học nghề thì lại vướng số lượng theo học THPT chưa cao.

Mặt khác, số tiết dạy hướng nghiệp trong năm không nhiều, đội ngũ làm công tác hướng nghiệp còn thiếu và chưa am hiểu nhiều về đào tạo nghề. Nhiều trường chưa tổ chức giới thiệu cho các em về các ngành nghề đào tạo cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực của địa phương nên các em bị hạn chế trong nhận thức ngành nghề. Thậm chí nhiều thầy cô còn chưa biết cơ sở vật chất của trường dạy nghề có quy mô như thế nào, đào tạo những ngành nghề gì, học trong bao lâu…, nói chi đến HS và phụ huynh.

 

Một số ít giáo viên chủ nhiệm lớp chưa quan tâm hướng nghiệp cho HS, xem đây như là nhiệm vụ của ban giám hiệu nhà trường. Về thời gian phân luồng, hướng nghiệp, có nơi chờ đến gần cuối năm mới xếp danh sách báo cáo trên mà không có bước chuẩn bị ngay từ đầu năm học. Mặt khác, việc thông tin, phối hợp cùng phụ huynh HS về năng lực cũng như định hướng nghề cho các em chưa kịp thời, liên tục nên phụ huynh có mặc cảm khi nghe nhà trường tư vấn cho con em tham gia học nghề. Vì vậy, lượng HS tốt nghiệp THCS vào học nghề chưa cao nếu không nói là rất thấp.

Rất cần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh HS và cả trong HS rằng tham gia học nghề không có gì là vất vả, cực nhọc. Xã hội đã cho thấy nếu học thành thạo một nghề, các em có thể lo cho cuộc sống bản thân và giúp đỡ gia đình, tham gia xây dựng xã hội. Bên cạnh đó, các em nếu có quyết tâm vẫn có thể nâng cao trình độ lên bậc cao đẳng, đại học. Chi phí học nghề được nhà nước hỗ trợ, việc làm ở địa phương còn nhiều… cũng là điều cần giúp HS thông hiểu, khi chọn lựa giữa theo học văn hóa mất thêm 3 năm mà không biết một nghề nào để tham gia lao động trong khi cũng không thành công khi không vào được cao đẳng, đại học.

Trường dạy nghề cần mang thông tin ngành nghề, khả năng tìm kiếm việc làm, nơi tuyển dụng và khả năng có việc làm đến với HS, phụ huynh nhiều hơn nữa. Cơ sở vật chất cũng như kết quả đào tạo, cuộc sống ổn định của HS theo học nghề là sự thuyết phục hiệu quả nhất. Đối với địa phương những năm qua, hiệu quả nhất là hướng cho HS nữ học nghề may, kế toán…, HS nam học thú y, cơ khí, điện, xây dựng…

Khi ra trường các em có thể tìm được việc làm tại quê nhà, phù hợp với kinh tế địa phương là nơi phát triển kinh tế nông nghiệp và đang hình thành các khu chế xuất. Có trường đã đưa HS đến tham quan tại nơi học tập, thực hành của trường nghề, gặp gỡ, trao đổi với các thầy cô phụ trách và các bạn HS đang theo học của trường dạy nghề. Nhờ vậy nhận thức các em có thay đổi theo hướng tiến bộ, xóa đi mặc cảm học nghề là thiếu năng lực, khó tìm việc làm…

Để việc phân luồng, hướng nghiệp có hiệu quả rất nên xây dựng ban tư vấn nghề gồm các thầy cô có tâm huyết, hiểu biết về các ngành nghề cũng như dự báo được phần nào nhu cầu trong tương lai. Các thầy cô chủ nhiệm lớp ngay từ đầu năm học nên chú ý đến năng lực HS để tư vấn kịp thời, tạo tâm thế tích cực giúp các em bước vào môi trường học tập mới. Song song đó, các trường dạy nghề cũng nên cung cấp thông tin về đào tạo nghề nhiều hơn nữa để HS hiểu biết thêm. Chính quyền địa phương thông báo định hướng sử dụng nguồn nhân lực các ngành nghề trong những năm sắp đến để HS lựa chọn cho phù hợp.

Có như thế công tác hướng nghiệp mới hiệu quả.

Ban biên tập

Tin bài khác